Đại học Hoa Sen – HSU

Ngành luật là gì? Học ngành luật ra trường sẽ làm gì?

Trong bất cứ thời đại nào cũng cần hệ thống pháp luật, vì thế, ngành luật vẫn chưa bao giờ hết hot và luôn là một trong những ngành học được nhiều bạn trẻ yêu thích và theo đuổi hiện nay. Vậy học ngành luật ra trường làm gì, cơ hội việc làm ngành luật có rộng mở không? Cùng Đại học Hoa Sen tìm hiểu tất tần tật thông tin liên quan tới ngành luật qua bài viết dưới đây!

Tổng quan về ngành Luật

Ngành Luật hay Luật học là một ngành học chuyên nghiên cứu về pháp luật. Ngành Luật cũng nghiên cứu về cơ sở lý luận và triển khai các nguyên tắc pháp lý để giải quyết các vấn đề pháp lý trong xã hội. Các chuyên ngành trong ngành Luật bao gồm Luật Hình sự, Luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Lao động, Luật Quốc tế, và nhiều lĩnh vực khác.

Vai trò của ngành Luật

Trong hầu hết mọi lĩnh vực hiện nay đều cần tới luật pháp. Đặc biệt hơn, trong thời kỳ hội nhập thì tầm quan trọng của Luật ngày càng được khẳng định. Luật không chỉ đóng vai trò quan trọng trong đời sống mà còn là “kim chỉ nam” cho mọi hoạt động đầu tư, sản xuất và kinh doanh của mỗi doanh nghiệp. Dù doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực nào cũng không thể thiếu bộ phận pháp lý.

Tìm hiểu về ngành Luật
Tìm hiểu về ngành Luật

Chương trình đào tạo ngành Luật tại Việt Nam

Về chương trình đào tạo, hiện nay tại các trường đại học đang có chương trình đào tạo cử nhân Luật và chương trình đào tạo sau đại học.

Hệ thống trường Đại học Luật

Hiện nay, có rất nhiều trường đại học đào tạo ngành Luật uy tín và chất lượng trên khắp cả nước, trong đó có thể kể tới như:

  • Đại học Hoa Sen
  • Đại học Luật Hà Nội
  • Đại học Luật Tp.HCM
  • Đại học Mở Hà Nội
  • Đại học Kiểm Sát Hà Nội
  • Khoa Luật- Đại học Quốc gia Hà Nội
  • Học viện Ngoại giao
  • Đại học Kinh tế TP.HCM,…

Chương trình đào tạo cử nhân Luật

Sinh viên theo học chương trình cử nhân Luật học sẽ được cung cấp kiến ​​thức cơ bản và nâng cao về hệ thống luật, nguyên tắc và quy định pháp lý, cũng như các kỹ năng cần thiết để làm việc trong lĩnh vực này.

Phương pháp giảng dạy và đánh giá

Từng trường đại học, sẽ có phương pháp giảng dạy, đánh giá khác nhau. Trong đó, một số phương pháp giảng dạy phổ biến nhất hiện nay có thể kể tới như: 

  • Phương pháp thuyết giảng – Đây là phương pháp dạy học truyền thống và đã có lịch sử từ lâu đời.
  • Kết hợp giữa phương pháp thuyết giảng bằng phương pháp làm việc nhóm.
  • Sử dụng tình huống điển hình để dạy học.
  • Phương pháp giải quyết vấn đề, ứng dụng các trường hợp thực tiễn.
Chương trình đào tạo ngành luật tại Việt Nam
Chương trình đào tạo ngành luật tại Việt Nam

Cơ hội việc làm ngành Luật

Học luật ra làm gì là băn khoăn, thắc mắc của khá nhiều bạn trẻ đã và đang theo đuổi ngành luật. Sau khi tốt nghiệp cử nhân Luật, có rất nhiều cơ hội việc làm mở ra cho các bạn sinh viên. Theo đó, bạn có thể tìm hiểu và theo đuổi các công việc cụ thể như sau:

Luật sư

Tốt nghiệp cử nhân Luật, để trở thành Luật sư, bạn phải tham gia một khóa đào tạo nghề sau đó xin gia nhập Đoàn Luật sư và tập sự tại một văn phòng hoặc công ty Luật. Khi hết thời gian tập sự, bạn sẽ tham gia một kỳ kiểm tra để được cấp chứng chỉ hành nghề và chính thức trở thành Luật sư. Một trong những việc làm phổ biến nhất ngành luật là luật sư. 

Có 2 mảng công việc chính mà bạn có thể đảm nhận là: Bảo vệ quyền lợi của khách hàng tại tòa án trong các vụ án hình sự, dân sự,…và tư vấn pháp luật và các dịch vụ pháp lý khác theo yêu cầu cụ thể của khách hàng. Luật sư có thể làm việc tại các công ty luật, văn phòng luật sư hoặc tự mở văn phòng riêng.

Thẩm phán và hội thẩm nhân dân

Thẩm phán là người được bổ nhiệm theo đúng quy định của pháp luật để thực hiện nhiệm vụ chính là xét xử các vụ án và giải quyết các việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án. Trong đó, hội thẩm là người được bầu hoặc cử theo quy định của pháp luật để thực hiện nhiệm vụ xét xử vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án.

Kiểm soát viên

Kiểm soát viên sẽ làm việc tại Viện Kiểm sát, là người bảo vệ lợi ích của Nhà nước và lợi ích công cộng. Trong lĩnh vực tội phạm hình sự, vai trò của kiểm soát viên được thể hiện một cách rõ ràng nhất. Theo đó, kiểm sát viên có quyền đưa một vụ phạm pháp ra xem xét để xử lý, ra lệnh bắt giữ và tham gia điều tra vụ án, truy tố tội phạm.

Sau khi ra trường ngành luật, có thể làm kiểm soát viên (Nguồn ảnh: LuatVietnam)
Sau khi ra trường ngành luật, có thể làm kiểm soát viên (Nguồn ảnh: LuatVietnam)

Công chứng viên, thừa phát lại

Công chứng viên là cán bộ pháp lý được bổ nhiệm để thực hiện chức năng công chứng tại các cơ quan công chứng nhà nước. Nhiệm vụ của một công chứng viên là tiến hành các hành vi pháp lý như xác nhận, chứng nhận, chứng thực bản sao giấy tờ, tài liệu, văn bằng, các việc về thừa kế,…

Thừa phát lại là một người đủ tiêu chuẩn được bổ nhiệm để tống đạt, lập vi bằng hay xác minh điều kiện thi hành án dân sự, tổ chức thi hành án dân sự. Căn cứ theo Điều 4 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, thừa phát lại không được kiêm nhiệm hành nghề công chứng, luật sư, đấu giá tài sản,  thẩm định giá, quản lý hay thanh lý tài sản.

Chuyên viên pháp lý và Tư vấn viên pháp Luật

Chuyên viên pháp lý là những người có bằng cử nhân luật, tham gia các công việc liên quan tới luật pháp tại các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức…Tương tự, tư vấn viên pháp luật là vị trí có thể làm tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Giảng viên và nghiên cứu viên Luật

Nếu bạn là người giỏi, nắm chắc các kiến thức chuyên môn luật và có khả năng về sư phạm thì giảng viên luật tại các trường đại học, cao đẳng là một trong những vị trí việc làm nên cân nhắc.

Còn đối với vị trí nghiên cứu viên Luật sẽ có nhiệm vụ chính là nghiên cứu về các vấn đề liên quan tới luật pháp, giúp những người xây dựng hệ thống pháp luật có thể viết được các đạo luật hay, phù hợp; giúp những người thi hành pháp luật áp dụng các quy định pháp luật linh hoạt.

Làm giảng viên ngành luật tại các trường đại học
Làm giảng viên ngành luật tại các trường đại học

Triển vọng nghề nghiệp đối với ngành Luật

Luật pháp là yếu tố cần thiết cho mọi vấn đề, mọi lĩnh vực trong xã hội. Tuy mang tính đặc thù cao tuy nhiên hiện nay, triển vọng nghề nghiệp, cơ hội việc làm ngành luật vô cùng rộng mở.

Đa dạng lĩnh vực hành nghề

Sinh viên tốt nghiệp cử nhân Luật có hai hướng đi chính là làm việc cho cơ quan nhà nước hoặc doanh nghiệp tư nhân. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể hành nghề trong đa dạng các lĩnh vực khác nhau như: Tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm,…bởi trong mọi lĩnh vực của xã hội đều cần tới luật pháp.

Nhu cầu tuyển dụng ngày càng tăng

Theo thông tin từ Bộ tư pháp, chỉ tính tới năm 2020, ngành Luật Việt Nam cần tới hơn 20.000 nhân sự chỉ ở chức danh tư pháp. Trong đó bao gồm 13.000 luật sư, 2.300 thẩm phán, 2000 công chứng viên, 3000 chấp hành viên và hàng trăm thẩm tra viên. Trong những năm tiếp theo, nhu cầu này còn tiếp tục tăng cao. 

Mức thu nhập và đãi ngộ

Thu nhập ngành Luật chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác nhau, trong đó trình độ và kinh nghiệm đóng vai trò quan trọng. Theo khảo sát của TopCV, mức lương ngành Luật ở vị trí công chứng viên: Trung bình từ 6 triệu – 12 triệu/tháng. Mức lương thấp nhất là 4 triệu đồng/tháng và cao nhất là 20 triệu đồng/tháng. Đối với vị trí chuyên viên pháp lý, mức lương dao động từ 8 triệu – 25 triệu đồng/tháng, mức cao nhất là 50 triệu đồng/tháng.  

Cơ hội việc làm sau khi ra trường ngành Luật là rất lớn
Cơ hội việc làm sau khi ra trường ngành Luật là rất lớn

Yêu cầu tuyển sinh và chuẩn bị cho người học Luật

Để theo đuổi ngành luật, người học cần có những tố chất nào? Khối thi, điểm chuẩn ngành luật như thế nào?

Tố chất và năng lực cần thiết

Mỗi ngành nghề, lĩnh vực sẽ có những yêu cầu về tố chất, năng lực khác nhau và ngành Luật cũng không ngoại lệ. Theo đó, để theo đuổi ngành luật, bạn phải cần sở hữu các tố chất sau:

  • Yêu thích sự tranh luận
  • Kiên trì và nhẫn nại
  • Khả năng thuyết phục
  • Trí nhớ tốt
  • Khả năng diễn đạt tốt
  • Bản lĩnh thép,…

Khối thi và điểm chuẩn đầu vào ngành Luật 

Tùy theo từng trường Đại học mà quy định về tổ hợp xét tuyển ngành Luật cũng sẽ khác nhau. Tuy nhiên, hiện nay ngành luật đang xét tuyển các khối thi sau: A00 (Toán, Vật lý, Hóa), C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý), D01 (Toán, Ngữ văn, tiếng Anh), D03 (Toán, Ngữ văn, tiếng Pháp), D06 (Văn, Toán, tiếng Nhật), D07 (Toán, tiếng Anh, Hóa học). Dựa theo năng lực cũng như kết quả học tập hiện tại mà bạn có thể lựa chọn được khối thi phù hợp.

Về mức điểm chuẩn đầu vào ngành Luật, tùy thuộc vào từng phương thức xét tuyển ví dụ xét điểm thi THPT quốc gia, xét kết quả học bạ, xét điểm thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia, xét tuyển thẳng theo điều kiện của trường…mà mức điểm chuẩn cũng có sự khác nhau.

Lộ trình học tập ngành Luật

Chương trình đào tại ngành luật tại các trường đại học, sẽ khác nhau. Tuy nhiên về cơ bản, lộ trình học ngành luật được chia ra thành 3 giai đoạn chính sau:

  • Giai đoạn 1: Khối kiến thức đại cương như xã hội học, các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, Đường lối cách mạng của Đảng cộng sản Việt Nam,…
  • Giai đoạn 2: Khối kiến thức cơ sở ngành như lý luận chung nhà nước và pháp luật, lịch sử Nhà nước và Pháp luật thế giới
  • Giai đoạn 3: Khối kiến thức chuyên ngành như luật dân sự, luật hình sự, luật hiến pháp, luật đầu tư, luật thương mại,…
Tìm hiểu lộ trình học tập ngành luật
Tìm hiểu lộ trình học tập ngành luật

Một số lưu ý và kinh nghiệm học tập ngành luật

Khi học ngành luật, có một số lưu ý và kinh nghiệm học bạn không nên bỏ lỡ để đạt được kết quả tốt nhất như:

Phát triển tư duy và kỹ năng pháp lý

Trong quá trình học ngành Luật trên giảng đường đại học, việc phát triển tư duy và kỹ năng pháp lý đóng vai trò vô cùng quan trọng. Theo đó, bên cạnh nắm vững kiến thức lý thuyết, sinh viên cần làm quen dần với việc thực hiện giải quyết các vấn đề pháp lý cụ thể,  tích cực tham gia vào các buổi thảo luận lớp học để tăng cường khả năng hiểu biết và tư duy pháp lý.

Tham gia hoạt động ngoại khóa

Tích cực tham gia hoạt động ngoại khóa tại trường đại học không chỉ là một cách thư giãn sau giờ học mà còn là cơ hội để phát triển kỹ năng mềm, xây dựng các mối quan hệ xã hội. Bên cạnh đó, thông qua các hoạt động này, bạn sẽ học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm từ những đàn anh, đàn chị đi trước. Bạn có thể tham gia các hoạt động, các câu lạc bộ liên quan tới lĩnh vực pháp lý để giúp mở rộng kiến ​​thức và kinh nghiệm.

Tìm kiếm cơ hội thực tập và trải nghiệm thực tế

“Học đi đôi với hành”. Việc chỉ nắm vững các kiến thức lý thuyết trên giảng đường đại học thì chưa đủ. Sinh viên cần phải có những trải nghiệm thực tế trong các văn phòng luật, công ty tư vấn pháp luật hoặc cơ sở luật để có cơ hội áp dụng những kiến ​​thức đã học vào thực tế.

Thực tập là một cơ hội rất lớn để sinh viên có thể áp dụng những kiến ​​thức đã được học vào trong môi trường làm việc thực tế. Điều này giúp sinh viên phát triển và rèn luyện các kỹ năng, kinh nghiệm cần thiết cho sự nghiệp sau này. Chính vì vậy, khi ngồi trên giảng đường đại học, đừng ngần ngại đi tìm kiếm các cơ hội thực tập, trải nghiệm thực tế.

Một số kinh nghiệm học tập ngành luật
Một số kinh nghiệm học tập ngành luật

Xây dựng mạng lưới quan hệ trong giới pháp lý

Trong quá trình học ngành luật tại trường đại học, bằng cách kết nối với giảng viên, cựu sinh viên à các chuyên gia trong ngành, sinh viên có thể tạo ra một mạng lưới quan hệ trong giới pháp lý rộng rãi. Điều này có ý nghĩa rất lớn giúp bạn mở rộng cơ hội việc làm sau khi ra trường.

Học luật ở đâu tốt?

Nên học Luật ở trường nào? Hiện nay, có rất nhiều trường đại học trên khắp cả nước đào tạo ngành luật. Trong đó, Đại học Hoa Sen là một trong những ngôi trường uy tín, chất lượng bạn không nên bỏ lỡ.

Tại trường Đại học Hoa Sen, Luật là một trong những ngành học mới được đầu tư kỹ lưỡng về cơ sở vật chất, chất lượng đào tạo với đúng tinh thần “thực học thực làm”.

Tổng quan về ngành luật Đại học Hoa Sen:

  • Mã ngành: 7380101
  • Văn bằng Cử nhân
  • Thời gian đào tạo: 3.5 năm
  • Tổ hợp môn xét tuyển A00, A01, D01/D03 và D09

Ưu điểm của chương trình học ngành luật tại trường Đại học Hoa Sen:

  • Chương trình đào tạo ngành luật được Hội đồng thẩm định – Đều là các chuyên gia về lĩnh vực pháp lý đánh giá cao.
  • Các môn học trong chương trình đào tạo có tính ứng dụng cao phù hợp với tình hình thị trường, xu thế hội nhập hiện nay.
  • Bên cạnh các lớp học lý thuyết, tại Đại học Hoa Sen còn thường xuyên tổ chức các chuyến thực hành, các phiên tòa giả định nhằm tạo cho sinh viên có cơ hội được cọ xát với nghề.
Sinh viên ngành Luật Đại học Hoa Sen tham gia các phiên tòa giả định
Sinh viên ngành Luật Đại học Hoa Sen tham gia các phiên tòa giả định

Như vậy, bài viết đã giải đáp tất tần tật thông tin liên quan tới học luật ra làm gì, nên học ngành luật ở đâu. Đại học Hoa Sen hy vọng qua những chia sẻ ở bài viết mang tới cho bạn đọc nhiều thông tin bổ ích để từ đó có được định hướng riêng cho bản thân!

Facebook Youtube Tiktok Zalo