Đại học Hoa Sen

Seminar Giáo dục Khai phóng – Chủ đề “Giáo dục khai phóng – So sánh Việt Nam và các nước trong khu vực”

Seminar “Giáo dục khai phóng – So sánh Việt Nam và các nước trong khu vực”* do Bộ Môn Giáo dục khai phóng vừa diễn ra ngày 22/12/2018 tại Đại học Hoa Sen, với sự tham gia của hơn 60 nhà nghiên cứu, nhà giáo (từ mầm non đến đại học), nhà quản lý giáo dục, nhà hoạt động xã hội, sinh viên đến từ các tổ chức trong và ngoài trường.

TS. Nguyễn Bảo Thanh Nghi – Trưởng khoa Khoa học Xã hội, Đại học Hoa Sen –  trình bày khái quát về giáo dục khai phóng trong cái nhìn lịch đại và trong bối cảnh so sánh Việt Nam với các nước khác. Phần trình bày cung cấp thông tin khái quát và là tiền đề cho cuộc tranh luận sôi nổi diễn ra sau đó về các vấn đề lớn: Giáo dục khai phóng có cần thiết hay là chương trình xa xỉ? Giáo dục khai phóng là một chương trình với các môn khoa học hay nên là tinh thần giáo dục khai phóng của toàn bộ hệ thống giáo dục? Những khó khăn nào của chương trình Giáo dục khai phóng trong bối cảnh nền giáo dục được thống nhất theo một định hướng duy nhất?

TS. Nguyễn Bảo Thanh Nghi trình bày (Hình: Hoàng Tuấn)

Theo đó, phần trình bày cung cấp một bối cảnh cho thấy giáo dục khai phóng (với tư cách là những thiết chế đại học : ở Mỹ nhiều trường đại học khai phóng được thành lập) đang có xu hướng trở nên một sự xa xỉ trong bối cảnh kinh tế Mỹ suy thoái và người lao động cần tìm một chương trình học ra trường có việc làm ngay. Trong khi đó, ở các nước Đông-Nam Á, trái lại giáo dục khai phóng đang trở thành một phong trào, đang được chú ý và được đề cao. Đối với Việt Nam, chưa có các trường đại học khai phóng. Các trường có chương trình giáo dục khai phóng đều thuộc khối tư với mức học phí cao, không phải là đại trà. Ngược lại, nhiều trao đổi tiếp nối cho thấy Chương trình Giáo dục Khai phóng đang được hiện thực hóa dưới nhiều hình thức học tập như Teach For Việt Nam, Happy School, UPSHIFT, Design For Change… khiến cho tinh thần giáo dục khai phóng được thực thi ở trong bối cảnh trường tư và cả trường công. Các nỗ lực từ khối tư và khối công này góp phần giúp hình thành tinh thần giáo dục khai phóng trong giáo dục.

Tranh luận diễn ra rất sôi động xung quanh việc giáo dục khai phóng nên là chương trình với các môn khoa học hay chỉ đơn thuần là tinh thần khai phóng trong các chương trình đào tạo chuyên nghiệp. Một số quan điểm cho rằng tinh thần khai phóng được chuyển tải trong các chương trình đào tạo chuyên nghiệp và người thầy là điều quan trọng hơn là một chương trình. Ngược lại, có nhiều quan điểm cho rằng, một chương trình giáo dục khai phóng có thể cung cấp cho sinh viên kiến thức lý thuyết nền tảng và phương pháp của triết lý giáo dục khai phóng, giúp người học khai mở và có phương pháp đúng khi thực hành năng lực này khi học các môn khác.

Trao đổi về những khó khăn khi thực hiện chương trình/tinh thần giáo dục khai phóng, những người tham dự trong khán phòng cung cấp nhiều hiện trạng như: giáo dục khai phóng chưa phải là dòng chảy chính được thừa nhận trong hệ thống giáo dục Việt Nam ; các thiết chế chính trị hiện nay không phù hợp để có thể xây dựng một nền giáo dục khai phóng; người thầy chưa có tinh thần khai phóng nên triển khai môn học chưa có tinh thần khai phóng, và người thầy chưa được trang bị các kỹ năng để việc giảng dạy đảm bảo được tinh thần khai phóng ; tình trạng một sách giáo khoa từ bộ giáo dục cấp…

Hình ảnh buổi seminar (Hình: Hoàng Tuấn)

Bộ môn Giáo dục Khai phóng xin cảm ơn quý vị đã tham dự và trao đổi hết sức sôi nổi, thẳng thắn, chân tình. Chúng tôi cũng bày tỏ sự cảm kích của mình đối với ba nhà hảo tâm, sau khi biết tin về seminar và sau khi tham dự buổi seminar đầu tiên, đã tài trợ cho hoạt động học thuật này. Họ muốn thông qua seminar để đóng góp cho cộng đồng, vì thế họ không công khai danh tính. Họ là những người làm điều tốt mà không muốn người khác biết đến lòng tốt của mình. Nhờ có sự đóng góp của họ, chúng tôi đã có thể tổ chức một tiệc trà nhỏ sau khi seminar kết thúc, để phục vụ công chúng, tạo điều kiện cho mọi người có thể tiếp tục gặp gỡ, thảo luận về các vấn đề đã nêu lên. Chúng tôi cũng xem xét việc hỗ trợ cho các diễn giả. Và đặc biệt, chúng tôi sẽ sử dụng sự đóng góp của những tấm lòng đáng quý này để xây dựng một « Quỹ hoạt động khoa học của Bộ môn Giáo dục Khai phóng » trong mục đích hỗ trợ các sinh hoạt khoa học của Bộ môn GDKP nhằm kết nối hoạt động sáng tạo tri thức và truyền bá cho cộng đồng.  Cần phải nói thêm, nhờ việc tổ chức hoạt động này, chúng tôi nhận ra rằng khi ta mở rộng lòng mình thì ta sẽ tìm thấy tấm lòng của người khác.

Chúng tôi nhận được nhiều phản hồi từ những người tham dự, trực tiếp hoặc qua email. Điều này chứng tỏ sự quan tâm của công chúng đối với chủ đề của seminar. Và chúng tôi cũng ghi nhận rằng, còn rất nhiều người muốn nói những điều tâm huyết nhưng không đủ thời gian để nói. Chúng tôi sẽ suy nghĩ về việc kéo dài thời gian của mỗi buổi seminar và có các quy định hợp lý về thời gian thảo luận, sao cho những người muốn nói đều có thể nói lên ý kiến của mình.

Chiêu Anh (ghi nhận và tóm tắt)

*seminar bắt đầu chuỗi seminar định kỳ hàng tháng do Bộ Môn Giáo dục Khai phóng – ĐH Hoa Sen tổ chức trên tinh thần bất vụ lợi, nhằm tạo ra một không gian trao đổi khoa học về các chủ đề giáo dục và xã hội.

Facebook Youtube Tiktok Zalo