Đại học Hoa Sen – HSU

Tuyển sinh ĐH, CĐ 2012: Rộng cửa nhiều ngành “thời thượng”

Theo thông tin mới nhất từ các trường ĐH, kỳ tuyển sinh năm 2012 nhiều ngành mới sẽ được mở. Khối thi cũng được mở rộng hơn, cơ hội tiếp cận của thí sinh với những ngành này sẽ đa dạng hơn.

Thí sinh tham khảo thông tin tuyển sinh trong chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp năm 2012 do báo Tuổi Trẻ và Bộ GD-ĐT tổ chức tại Bình Phước – Ảnh: TRẦN HUỲNH

Ngành dược, điều dưỡng bậc ĐH trước đây vốn chỉ có các trường ĐH chuyên ngành y dược và một vài trường ĐH khác tuyển sinh. Kỳ tuyển sinh năm nay nhiều trường cho biết việc thẩm định mở các ngành đã hoàn tất và dự kiến tuyển sinh trong năm 2012.

Đón đầu nhu cầu nhân lực

PGS.TS Hồ Thanh Phong, hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM), cho biết trường dự kiến mở hai ngành mới gồm dược (tuyển khối A, A1, B, D1) và kỹ thuật tài chính và quản lý rủi ro (tuyển khối A, A1). Ngành kỹ thuật tài chính và quản lý rủi ro là ngành đào tạo khá mới. Nội dung đào tạo chuyên về các mô hình định lượng sử dụng trong tài chính như đầu tư tối ưu, tính toán rủi ro… Ngành này nghiêng về phân tích nên đòi hỏi người học phải có kỹ năng tin học và khả năng toán học tốt. Sinh viên tốt nghiệp ngành này có thể làm trong các ngân hàng, tổ chức tài chính… Đặc biệt, trường dành khoảng 9 tỉ đồng để cấp học bổng cho những thí sinh đạt điểm cao vào trường. Tùy theo ngành, thí sinh đạt từ 22-25 điểm trở lên sẽ được xét cấp học bổng bán phần (60 triệu đồng) và toàn phần (120 triệu đồng). Ngoài ra, học sinh đoạt giải quốc gia, quốc tế cũng sẽ được xét cấp các học bổng này.
TS Nguyễn Xuân Hoàn – phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM – cho biết hồ sơ thẩm định mở ngành đã hoàn tất và đang chờ Bộ GD-ĐT cho phép để trường mở ba ngành mới trong kỳ tuyển sinh năm nay. Các ngành mới gồm điều dưỡng, xây dựng và luật. Trong khi đó, ba ngành mới của Trường ĐH Tài chính – marketing gồm kinh doanh quốc tế, bất động sản và quản trị khách sạn có khá nhiều chuyên ngành “hot” như kinh doanh quốc tế, thương mại quốc tế, quản trị dịch vụ giải trí… Trong đó, Trường ĐH Kinh tế – luật (ĐHQG TP.HCM) mở mới ngành kinh doanh quốc tế. Trường dự kiến tách ngành kế toán – kiểm toán thành hai ngành riêng biệt: kế toán (100 chỉ tiêu) và kiểm toán (140 chỉ tiêu).

Rộng cửa kỹ thuật hạt nhân

Trong khi đó, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) cũng mở ngành mới kỹ thuật hạt nhân (50 chỉ tiêu, tuyển khối A). Ngành này có nhiều chuyên ngành đào tạo như năng lượng và điện hạt nhân, kỹ thuật hạt nhân, vật lý y khoa. TS Nguyễn Kim Quang – trưởng phòng đào tạo nhà trường – cho hay đây là ngành khá mới và cơ hội việc làm của sinh viên khi ra trường là khá lớn. “Nước ta đang xây dựng nhà máy điện hạt nhân nhưng không phải tất cả sinh viên ra trường đều làm ở đây. Một số sinh viên có thể được đưa ra nước ngoài để đào tạo cao hơn. Bên cạnh đó, các máy móc, trang thiết bị y tế ở các bệnh viện, ngành dược hiện nay cũng liên quan đến vấn đề hạt nhân nên cơ hội việc làm của sinh viên tốt nghiệp sẽ rộng hơn. Ngoài ra, trong lĩnh vực công nghiệp cũng cần nhân lực ngành này. Tuy nhiên để nâng cao chất lượng, khóa đầu trường chỉ tuyển 50 chỉ tiêu” – ông Quang nói thêm.
Tương tự, từ cuối năm 2011, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) đã trình Bộ GD-ĐT đề án tuyển sinh chuyên ngành vật lý điện hạt nhân. Nếu bộ kịp ký quyết định cho phép thực hiện tuyển sinh ngành này trong tháng 1, trường dự kiến tuyển 50 sinh viên khóa đầu tiên. Theo PGS.TS Bùi Duy Cam – hiệu trưởng nhà trường, tất cả sinh viên theo học ngành này sẽ được trợ giúp học bổng.

Đi trước Trường ĐH Khoa học tự nhiên hai năm, Trường ĐH Điện lực đã tuyển sinh, đào tạo nhân lực phục vụ ngành điện hạt nhân từ năm 2010. Theo quy hoạch của đề án phát triển nguồn nhân lực các nhà máy điện hạt nhân, sau khi hoàn thành chương trình cử nhân, người theo học ngành này sẽ được cử đi đào tạo thạc sĩ tại nước ngoài. Tại Trường ĐH Điện lực, sinh viên ngành điện hạt nhân tạm thời được nhà trường hỗ trợ toàn bộ học phí 600.000 đồng/tháng.

Ngành mới gắn với xu thế mới

PGS.TS Lương Khắc Hiếu – giám đốc Học viện Báo chí và tuyên truyền – cho hay mùa tuyển sinh 2012 học viện sẽ bổ sung hai chuyên ngành mới gắn với nhu cầu thực tiễn của xã hội là công tác xã hội và quản lý nhà nước. Theo đó, chuyên ngành công tác xã hội hướng đến việc đào tạo thế hệ thiện nguyện mới, tham gia công tác xã hội chuyên nghiệp, bài bản, hiệu quả hơn chứ không chỉ dừng ở ý nghĩa “xung phong”. Còn sinh viên theo học ngành quản lý nhà nước sẽ được trang bị tư duy quản lý nhà nước như một khoa học, có ý nghĩa thiết thực trong vận dụng công việc thực tế sau này. Theo kế hoạch, hai chuyên ngành mới sẽ tuyển 50 sinh viên/ngành, tuyển đồng thời cả hai khối C, D.

Trường ĐH Điện lực sẽ mở thêm hai chuyên ngành mới là thương mại điện tử và xây dựng công trình điện với quy mô tuyển sinh mỗi chuyên ngành 50 sinh viên, đều tuyển sinh khối A. Ngoài ra, trường đang dự định mở thêm mã ngành mới là ngành xây dựng và chuyên ngành quản trị du lịch tại các vùng có nhà máy thủy điện. Theo ông Bùi Đức Hiền – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Điện lực, chuyên ngành quản trị du lịch các vùng có nhà máy thủy điện (đến nay chưa tìm được tên gọi chính thức) là hướng đi thức thời khi dịch vụ du lịch tại các nơi “cắm chốt” nhà máy thủy điện rất phát triển, nhưng nguồn lực chuyên nghiệp phục vụ nhu cầu chuyên biệt này hiện vẫn chỉ là khoảng trống rất lớn.

ĐH Kiến trúc TP.HCM dự kiến bỏ khối V

Theo dự kiến của Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, kỳ thi tuyển sinh năm 2012 trường sẽ tuyển sinh khối H1 thay các khối V và H trước đây. Thí sinh dự thi khối H1 sẽ thi đợt 2. Như vậy, các ngành kỹ thuật xây dựng, kỹ thuật đô thị tuyển sinh khối A, các ngành còn lại tuyển sinh khối H1. Trong khối H1, các ngành kiến trúc, quy hoạch vùng và đô thị, thiết kế nội thất thi các môn văn, toán (đề khối D) và vẽ mỹ thuật (vẽ đầu tượng). Tất cả các môn đều hệ số 1. Các ngành thuộc nhóm ngành mỹ thuật ứng dụng thi văn, toán (đề khối D) và vẽ trang trí màu. Điểm thi môn vẽ trang trí màu hệ số 1,5. Thí sinh đăng ký dự thi vào các ngành khối H1 phải dự thi tại TP.HCM. Điểm thi môn năng khiếu phải từ 5 trở lên mới được xét tuyển. Trường sẽ lấy điểm chuẩn theo khối thi, phân ngành dựa trên đăng ký dự thi của thí sinh, kết quả thi, chỉ tiêu tuyển sinh và quy định của trường.

Một cán bộ phòng đào tạo của trường cho biết đây là dự kiến khối thi và đã được Bộ GD-ĐT đồng ý. Tuy nhiên, đại diện Bộ GD-ĐT yêu cầu trường giữ lại khối V đối với các ngành tuyển sinh khối V trước đây. Vị cán bộ này cho biết trường đang chờ quyết định cuối cùng của Bộ GD-ĐT về việc có giữ lại khối V hay không.

(Nguồn: Tuổi trẻ)

Danh mục liên quan

Toàn cảnh tuyển sinh
Facebook Youtube Tiktok Zalo