Đại học Hoa Sen

Người kể chuyện: Hành trình “Giáo dục cảm xúc” cùng cô Nguyễn Thị Ngọc Giàu

 

Nhìn lại hành trình “Giáo dục cảm xúc”

“Cảm xúc không định nghĩa chúng ta là ai. Khi ta làm sai và cảm thấy xấu hổ, thì đó là cảm xúc xấu hổ vì hành vi không đúng. Cảm xúc đó không khẳng định ta là một người đáng xấu hổ”. Tham gia vào môn học Service-Learning “Giáo dục cảm xúc”, sinh viên phát triển năm kỹ năng cần thiết:

  • “Hiểu bản chất cảm xúc” cho chúng ta biết nền tảng sinh học của cảm xúc liên quan tới não bộ và hormone. Vì vậy, sự thay đổi thể chất hoàn toàn có thể ảnh hưởng đến cảm xúc.
  • “Nhận diện cảm xúc” chỉ ta cách lắng nghe cơ thể để nhận biết cảm xúc đang hiện diện và tìm ra hướng giải quyết tình huống sáng suốt.
  • “Điều hoà cảm xúc” hướng dẫn sinh viên cách “cấp cứu cảm xúc” để xử lý nhanh các tình huống bùng nổ và đưa ra những “chiến lược thay đổi tư duy” để thoát ra khỏi lối mòn tiêu cực.
  • “Sống cùng cảm xúc khó” giúp ta hiểu rằng đôi khi ta nên cho phép mình ở trong nỗi buồn một thời gian trước khi tìm ra cách giải quyết chúng.
  • “Nuôi dưỡng cảm xúc tích cực” sẽ giúp chúng ta thoát khỏi những cuộc khủng hoảng và dám đứng dậy sau khi vấp ngã.

Đó là kỹ năng mà cô Ngọc Giàu đã hướng dẫn cho sinh viên tham gia môn học và dự án Service-Learning “Giáo dục cảm xúc”.

 

Sinh viên trưởng thành qua dự án

Trong thời gian tham gia hoạt động tại cồng đồng, vì lý do cá nhân, tôi phải vắng mặt hai buổi liên tiếp.
Sau khi quay trở lại, bản thân tôi xúc động vì các em nhỏ gọi vẫn nhớ tôi và vây quanh hỏi thăm tôi.
Qua những buổi làm việc tại cộng đồng, tôi trân trọng niềm vui từ những điều nhỏ bé nhất.
(Chia sẻ của sinh viên tham gia dự án “Giáo dục cảm xúc”)

 

Thông qua hoạt động phục vụ cộng đồng của dự án “Giáo dục cảm xúc”, cô Ngọc Giàu nhận thấy sinh viên có nhiều thay đổi tích cực và trưởng thành hơn. Sau dự án, sinh viên mang đến cho cộng đồng những đóng góp tích cực từ lĩnh vực được đào tạo, đồng thời, nhận lại tình yêu thương và trân quý. Các bạn từng bước trưởng thành hơn, hiểu về năng lực của bản thân và tự hào khi vượt qua những thử thách ở ngưỡng cửa tuổi trẻ. 

 

Trách nhiệm đối với cộng đồng

“Trao cho bạn suất học bổng này, chúng tôi luôn mong rằng bạn sẽ ứng dụng kiến thức chuyên môn của mình để cống hiến cho cộng đồng.” – Phát biểu của vị đại diện quỹ học bổng năm xưa đã trở thành nguồn động lực lớn cho những hoạt động CSR của cô Ngọc Giàu.“Cô hy vọng sinh viên sẽ bắt đầu ý thức về trách nhiệm xã hội. Rất mong các bạn sẽ cảm nhận được niềm hạnh phúc khi mang lại lợi ích cho cộng đồng từ chính chuyên môn của mình”.

Cô Ngọc Giàu luôn ý thức rõ về trách nhiệm xã hội và cảm thấy biết ơn vì chuyên ngành Tâm lý học có thể giúp đỡ nhiều người bằng các hình thức khác nhau.

Cô Giàu chia sẻ thêm, nhờ trải nghiệm học tập qua phục vụ cộng đồng, Service-Learners có cơ hội nhìn lại những kiến thức chuyên môn, đồng thời, hiểu hơn về thế mạnh và khả năng của bản thân. Hơn nữa, sinh viên được trau dồi kỹ năng làm việc nhóm, quản lý và lập kế hoạch cho dự án.

 

Bài: Võ Tâm Anh, Trần Ngọc Cẩm Tú

Facebook Youtube Tiktok Zalo