Đại học Hoa Sen – HSU

Nhật cảnh báo nguy hiểm hạt nhân bằng vụ Chernobyl

Hôm nay 12-4, hãng tin Kyodo cho hay Cơ quan an toàn hạt nhân và công nghiệp Nhật Bản (NISA) đánh giá lại tình hình nhà máy Fukushima 1 ở mức độ nguy hiểm cao nhất (7/7 theo phân loại của thế giới).

Mức độ nguy hiểm này được đánh giá tương đương thảm họa Chernobyl năm 1986 ở Liên Xô cũ.

NISA thừa nhận lượng phóng xạ phát thải tích lũy vào môi trường tự nhiên từ Fukushima 1 có thể vượt quá vụ Chernobyl trong thời gian tới vì cuộc khủng hoảng chưa kết thúc – Ảnh: EPA

Trước đó, NISA đặt cảnh báo này ở mức 5/7, tương đương độ nguy hiểm của sự cố tại nhà máy Three Mile Island ở Mỹ năm 1979.

“Chúng tôi nâng mức độ nghiêm trọng lên 7 vì ảnh hưởng của rò rỉ phóng xạ lan rộng ra không khí, nước máy, nước biển và rau màu”, Minoru Oogoda – chuyên gia của NISA, tuyên bố.

NISA cho biết họ trì hoãn tuyên bố điều này vì trước đó chưa có dữ liệu tin cậy. Hôm nay, họ quyết định đưa ra cảnh báo trên sau khi đã kiểm chứng dữ liệu được đánh giá theo nhiều phương pháp khác nhau của NISA và Ủy ban an toàn hạt nhân Nhật Bản (NSCJ).

Quyết định nâng mức cảnh báo diễn ra sau khi NSCJ thông báo những tính toán cho thấy phóng xạ phát thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 lên tới 10.000 terabecquerel/giờ tại một địa điểm sau vụ động đất 8,9 độ Richter kèm sóng thần hôm 11-3.

Trong khi đó, mức độ 7 theo thang phân loại sự cố hạt nhân quốc tế (INES) tương đương với phát thải ra môi trường bên ngoài lượng iodine 131 là hàng chục nghìn terabecquerel. Mỗi terabecquerel bằng một nghìn tỷ becquerel.

NISA ước tính đã có đến 370.000 terabecquerel chất phóng xạ phát thải tích lũy trong không khí, còn NSCJ cho biết họ ước tính đã có tới 630.000 terabecquerel phóng xạ phát thải, vượt quá tiêu chuẩn của mức độ 7.

Haruki Madarame – chủ tịch của NSCJ, cho hay trước đó họ ước tính mức độ phát thải phóng xạ 10.000 terabecquerel/giờ đã diễn ra trong vòng vài giờ sau động đất nhưng sau đó hạ xuống dưới 1 terabecquerel/giờ.

NSCJ cũng đưa ra các tính toán lượng phơi nhiễm phóng xạ tích lũy đã vượt quá giới hạn 1 millisievert/năm ở khu vực cách xa nhà máy Fukushima 1 hơn 60km về phía tây bắc và vùng cách đó hơn 40km về phía nam, tây nam. Các vùng này tương ứng với Date, Soma, Minamisoma và Iwaki, một phần thành phố Hirono của tỉnh Fukushima.

Còn mức phóng xạ trong khu vực có lệnh di tản cách nhà máy trong vòng bán kính 20km dao động từ 1-100 millisievert, vùng trong bán kính 20-30km phóng xạ ở mức dưới 50 millisievert.

CNN dẫn lời ông Tetsunari Iida – cựu chuyên gia về hạt nhân đang điều hành một cơ quan nghiên cứu năng lượng thay thế tại Tokyo, cho hay tuyên bố của NISA là dấu hiệu cho thấy các lãnh đạo Nhật Bản đã tính toán lại các đánh giá ban đầu của thảm họa.

Hôm qua, chính phủ Nhật Bản đã kêu gọi mở rộng vùng sơ tán lên phía tây bắc nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 và yêu cầu người dân di tản trong vòng một tháng. Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yukio Edano cho hay tình hình tại nhà máy này đang dần ổn định nhưng họ phải sẵn sàng cho những khả năng xấu hơn.

Vẫn khác xa Chernobyl?

Nước Nhật sẽ phải dành hàng trăm tỉ USD và cả chục năm nữa để xây dựng lại từ đổ nát – Ảnh: Reuters

Trả lời phỏng vấn Reuters, một số chuyên gia cho rằng cấp độ 7 là đánh giá “thổi phồng” tình hình tại Nhật Bản và sự cố tại Fukushima 1 chưa thể so sánh với Chernobyl.

“Tình hình Fukushima 1 chưa thể đến mức đó. Chernobyl thực sự tồi tệ. Nó nổ tung và các lò phản ứng còn không có vỏ bọc. Tại Fukushima 1, các lõi phản ứng vẫn còn vỏ bọc thép dày và bể chứa nhiên liệu không bị bốc chảy như Chernobyl”, Murray Jennex – chuyên gia năng lượng hạt nhân đang giảng dạy tại Đại học San Diego ở California (Mỹ), nhận xét.

Các chuyên gia cho rằng nâng mức độ nghiêm trọng tại nhà máy Fukushima 1 có nguy cơ gây căng thẳng ngoại giao giữa Nhật với các nước láng giềng. Trung Quốc và Hàn Quốc trước đó đã chỉ trích quyết định bơm nước nhiễm xạ ra biển.

Kenji Sumita – chuyên gia hạt nhân tại Đại học Osaka (Nhật Bản) cho rằng việc nâng mức cảnh báo có thể khiến các nước nghĩ rằng họ sẽ gặp nhiều phiền phức.

Dù nâng mức cảnh báo, bản thân NISA cũng cho rằng lượng iodine-131 phát thải ra môi trường bên ngoài từ Fukushima 1 chỉ bằng 1/10 lượng phóng xạ phát tán sau thảm họa Chernobyl, còn lượng cesium-137 bằng 1/7. Chu kỳ bán rã của iodine-131 là 8 ngày, trong khi chu kỳ bán rã của cesium-137 lên tới 30 năm.

“Tình hình ở Fukushima 1 hoàn toàn khác với Chernobyl – phát ngôn viên Hidehiko Nishiyama của NISA, nói – Tại Fukushima 1 không có hiện tượng nổ lõi lò phản ứng như Chernobyl mà chỉ có nổ khí hydro”.

Nhưng trong thời gian tới, ông Nishiyama thừa nhận lượng phóng xạ phát thải tích lũy có thể vượt qua con số của Chernobyl vì cuộc khủng hoảng tại Fukushima 1 chưa kết thúc.

Nhật xin lỗi khi báo động hạt nhân bằng thảm họa Chernobyl

Hôm nay 12-4, người phát ngôn Chính phủ Nhật Bản, ông Yukio Edano đã lên tiếng xin lỗi người dân sống gần nhà máy điện Fukushima 1 và cộng đồng quốc tế sau khi phải nâng mức độ nguy hiểm của sự cố hạt nhân tại nhà máy này từ cấp 5 lên cấp 7.

Một kỹ thuật viên đang điều chỉnh máy móc hạng nặng để loại bỏ mảnh vụn trong cơ sở của nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi – Ảnh: Kyodo

Mức cấp 7 là mức cao nhất theo thang đo sự cố hạt nhân của Cấp độ sự kiện hạt nhân quốc tế (INES), và ngang với cấp báo động trong thảm họa hạt nhân Chernobyl năm 1986.

Tuy nhiên, ông Edano cho biết: “Khác với trường hợp Chernobyl, chúng tôi chưa phát hiện những ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người trong sự cố này”.

Lại động đất 6,3 độ richter

Hãng tin Kyodo cho hay lúc 14g07 chiều nay (tức 12g07 ngày 12-4 theo giờ VN), tỉnh Fukushima và phía bắc tỉnh Ibaraki lại hứng chịu một trận động đất 6,3 độ Richter xảy ra ngay trên đất liền, đúng vùng vừa trải qua cơn địa chấn 7 độ Richter chiều hôm qua.

Tâm chấn của trận này nằm ở vùng Hamadori của tỉnh Fukushima, có độ lớn dưới mức 6/7 theo phân loại của Nhật Bản. Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ (USGS) cho hay tâm chấn trận động đất chiều nay chỉ sâu 10,6km, cách thủ đô Tokyo 175km về phía bắc.

Cơ quan Địa chấn Nhật Bản (JMA) đã quan sát thấy những cơn sóng cồn, song không nguy hiểm nên không đưa ra cảnh báo sóng thần.

Hiện chưa có báo cáo về thiệt hại.

(Nguồn: Tuổi Trẻ)

Facebook Youtube Tiktok Zalo