Đại học Hoa Sen

Chuyên viên IT – nghề hấp dẫn bạn trẻ mê công nghệ

Nhu cầu lớn song nguồn cung lại hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng, các doanh nghiệp Công nghệ thông tin hiện nay đều đang “khát” chuyên viên IT giỏi chuyên môn.

Cơ hội việc làm rộng mở Theo dự báo của Xively (Công ty chuyên cung cấp giải pháp, dịch vụ về các thiết bị kết nối trên phạm vi toàn cầu), đến năm 2020, thế giới có 40-80 tỷ thiết bị kết nối với nhau. Trung bình mỗi người sẽ sử dụng 10 thiết bị kết nối Internet, từ máy tính, điện thoại thông minh đến xe ô tô và các thiết bị gia dụng. Dự báo cho biết thêm, 74% quản lý cấp cao của các doanh nghiệp cho rằng mạng lưới vạn vật kết nối Internet IoT (Internet of Things) sẽ đóng một vai trò quyết định đối với thành công của doanh nghiệp; 95% quản lý cấp cao mong muốn công ty họ sẽ triển khai ứng dụng IoT trong tương lai gần. Khi đó, vai trò của chuyên viên IT rất quan trọng, không chỉ đảm bảo sự vận hành thông suốt, an toàn của hệ thống mạng, mà quan trọng hơn là xây dựng các ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT) trên hệ thống mạng nhằm khai thác tối đa các thiết bị, giúp doanh nghiệp quản lý tốt nguồn lực, tăng khả năng cạnh tranh.

Sinh viên ĐH Hoa Sen thảo luận nhóm sau giờ học trên lớp.

Các chuyên gia nhận định, trong vòng 5 năm tới, cùng với sự bùng nổ các thiết bị kết nối thì nhu cầu nhân sự để triển khai, quản trị, khai thác hiệu quả các thiết bị kết nối là rất lớn, đặc biệt là nhân sự am hiểu hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống và bảo mật. Tuy nhiên, trên thực tế, thị trường lao động đang thiếu hụt một số lượng lớn nhân sự lĩnh vực này do nguồn cung hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng. Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực TP HCM: “Mỗi năm, TP HCM cần khoảng 280.000 việc làm, riêng ngành CNTT chiếm 6%-7%”. Chính bởi vậy, cơ hội nghề nghiệp cho các bạn trẻ yêu thích công nghệ, mạng máy tính hết sức rộng mở.

Điểm đến của bạn trẻ yêu công nghệ

Trong số các cơ sở đào tạo CNTT hiện nay, ngành Truyền thông và Mạng máy tính (TT&MMT) của trường Đại học Hoa Sen là một trong những điểm đến phù hợp với bạn trẻ. Chương trình đào tạo ở đây chú trọng phương pháp giảng dạy hiện đại phát triển khả năng tư duy, kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên. Ngoài việc đảm bảo kiến thức, kỹ năng về mạng, hệ thống, bảo mật, khả năng tiếng Anh, ngành TT&MMT tại Hoa Sen hướng đến việc tăng cường khả năng lập trình ứng dụng, quản trị cơ sở dữ liệu, triển khai hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp, ngoại ngữ thứ 2 (như tiếng Nhật), để đón đầu xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam. Đây cũng là ý thức chuyên nghiệp mà nhà trường đào tạo cho sinh viên để cạnh tranh với nhân lực trong thị trường chung ASEAN.

Bên cạnh đó, ngành TT&MMT còn xây dựng quan hệ hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp, tổ chức chuyên môn hoạt động trong lĩnh vực tin học, mạng, an ninh mạng, an ninh thông tin như HCA, FPT, HSBC, HPT, PRISM, TMA, OPTIMUM, VNG, TimesGroups, Athena, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam, HVA, A68-Tổng cục An ninh – Bộ Công An… nhằm cung cấp môi trường trải nghiệm thực tế và hỗ trợ việc làm cho sinh viên tốt nghiệp. Trong suốt quá trình học tập, sinh viên có 2 đợt thực tập (thực tập nhận thức và thực tập tốt nghiệp) để tiếp cận công nghệ thực tiễn, quy trình làm việc tại doanh nghiệp; hoặc tham gia làm việc bán thời gian tại các công ty. Hàng năm, ngành tổ chức ngày hội việc làm, tạo điều kiện cho sinh viên tiếp xúc với doanh nghiệp, thể hiện năng lực và tìm kiếm việc làm đúng chuyên ngành. Ngược lại, doanh nghiệp cũng có thể lựa chọn, tuyển dụng những nhân sự trẻ trung, năng động và giỏi chuyên môn.

Học ngành Truyền thông & Mạng máy tính hứa hẹn nhiều cơ hội việc làm rộng mở với các bạn trẻ.

Vì lẽ đó, tỷ lệ sinh viên ngành Truyền thông và Mạng máy tính của Hoa Sen có việc làm sau khi tốt nghiệp rất cao. Năm học 2013-2014, có hơn 95% sinh viên ngành TT&MMT tốt nghiệp có việc làm trong vòng 3 tháng. Hầu hết nhà tuyển dụng đều đánh giá sinh viên Hoa Sen có kỹ năng công nghệ tốt, ngoại ngữ giỏi, có kỹ năng mềm và khả năng thích ứng với thay đổi.

Theo Mộc Trà
(Nguồn: News.zing, ngày 27/05/2015)

Facebook Youtube Tiktok Zalo