Đại học Hoa Sen – HSU

Đôi dép đơn sơ, đôi dép Bác Hồ

“Đôi dép đơn sơ đôi dép Bác Hồ, Bác đi từ ở chiến khu Bác về….” Câu hát đã đi sâu vào lòng chúng ta không chỉ riêng  thế hệ những người đã  sống, chiến đấu và đã biết đến một thời mưa bom bão đạn với đôi dép cao su băng núi, băng rừng mà cả trong thế hệ trẻ ngày nay, chúng ta vẫn hát vẫn ngân lên khúc hát ca ngợi Người, ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của Người. Lời bài hát đẹp mà ý nghĩa, ta nghe mà như đang được đi bên Bác, đang được tận mắt nhìn đôi dép ấy, đôi dép đơn sơ, đôi dép cao su, đôi dép của vị Cha già dân tộc để hiểu, yêu và kính trọng biết bao đức tính giản dị của Người – Hồ Chí Minh.

Khi Trường Đại học Hoa Sen tổ chức cuộc thi “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tôi đã tìm và đọc được rất nhiều bài viết về Bác, về lòng yêu thương con người, về tinh thần lao động, thời gian là quý báu…mỗi câu chuyện là một tấm gương, một hình ảnh thật đẹp của Bác nhưng câu chuyện để lại trong tôi nhiều cảm xúc nhất là đó là câu chuyện kể về đôi tất và đôi dép của Người.

 

Nguồn http://namdinh.gov.vn/Home/daoduc/2012/2894/Nhung-mau-chuyen-ve-doi-song-cua-Bac-ky-2.aspx

Câu chuyện đưa tôi về với những câu hát tôi từng nghe đôi dép đơn sơ, Bác đi từ ở chiến khu. Câu chuyện không chỉ mang thông điệp của sự giản dị mà ở đó còn là một tấm gương về tiết kiệm. Xin dẫn lại nội dung câu chuyện cảm động này:

Từ chuyện đôi tất

“Các đồng chí ở gần Bác đều cho biết Bác rất tiết kiệm. Có đôi tất rách đã vá đi, vá lại mấy lần Bác cũng không dùng tất mới. Bác nói:

– Cái gì còn dùng được nên dùng. Bỏ đi không nên…

Khi tất rách chưa kịp vá, anh em đưa đôi mới để Bác dùng, Bác xoay chỗ rách vào bên trong rồi cười xí xóa:

– Đấy, có trông thấy rách nữa đâu…”

Đến chuyện đôi dép

“Đôi dép của Bác “ra đời” vào năm 1947, được “chế tạo” từ một chiếc lốp ôtô quân sự của thực dân Pháp bị bộ đội ta phục kích tại Việt Bắc.

Bác nói vui với anh em cán bộ đi cùng:

– Đây là đôi hài vạn dặm trong chuyện cổ tích ngày xưa… Đôi hài thần đất, đi đến đâu mà chẳng được.

Chẳng những khi “hành quân” mà cả mùa đông, Bác đi thêm đôi tất cho ấm chân, tiếp khách trong nước, khách quốc tế vẫn thường thấy Bác đi đôi dép ấy.

Gặp suối hoặc trời mưa trơn, bùn nước vào dép khó đi, Bác tụt dép xách tay. Đi thăm bà con nông dân, sải chân trên các cánh đồng đang cấy, đang vụ gặt, Bác lại xắn quần cao lội ruộng, tay xách hoặc nách kẹp đôi dép…

Mười một năm rồi vẫn đôi dép ấy… Các đồng chí cảnh vệ cũng đã đôi ba lần “xin” Bác đổi dép nhưng Bác bảo “vẫn còn đi được”.

Cho đến lần đi thăm Ấn Độ, vẫn đôi dép ấy, Bác nói: Nước ta còn chưa được độc lập hoàn toàn. Nhân dân ta còn khó khăn. Bác đi dép cao su nhưng bên trong lại có đôi tất mới thế là đủ lắm mà vẫn lịch sự…

Đến năm 1960, một chiến sĩ vô tình giẫm lên chân Bác và làm tụt quai dép. Anh chiến sĩ ấy đã chạy đi và trở lại với chiếc búa con, mấy cái đinh:

– Tôi, để tôi sửa dép…

Mọi người giãn ra. Phút chốc, chiếc dép đã được chữa xong.

Những chiến sĩ không được may mắn chữa dép phàn nàn:

– Tại dép của Bác cũ quá. Thưa Bác, Bác thay dép đi ạ…

Bác nhìn các chiến sĩ nói:

Đôi dép của Bác cũ nhưng nó chỉ mới tụt quai. Cháu đã chữa lại chắc chắn cho Bác thế này thì còn “thọ” lắm! Mua đôi dép khác chẳng đáng là bao, nhưng khi chưa cần thiết cũng chưa nên… Ta phải tiết kiệm vì đất nước ta còn nghèo…

Đôi dép cá nhân đã vậy, còn “đôi dép” ôtô của Bác cũng thế!”

Đôi tất cũ sờn, rách đã được xoay vào trong để không còn thấy rách. “- Đấy, có trông thấy rách nữa đâu…”- Bác nói. Mười một năm đi duy nhất một đôi dép và khi tụt quai lại sửa lại và tự hào là còn “ thọ” lắm. Đọc câu chuyện vừa xót xa vừa khâm phục, xót xa vì đất nước trong hoàn cảnh khó khăn, vị lãnh tụ của đất nước 11 năm đi một đôi dép làm từ chiếc lốp ô tô, khâm phục vì trong khó khăn Bác vẫn lạc quan vui vẻ, để lại cho chúng ta tấm gương về sự tiết kiệm thật là quý báu.

Càng đọc càng yêu quý Bác hơn, càng hiểu những tư tưởng những bài học của Người không phải những gì quá xa lạ, cao sang mà chúng ta không thể với tới, đó chỉ là những sinh hoạt đời sống thường ngàyquanh chúng ta.Cuộc sống bận rộn với bao lo lắng muộn phiền về kinh tế, gia đình, công việc,…chúng ta có ít thời gian để ngồi lại và ngẫm rằng mình đã và đang làm gì theo gương của Bác. Nhưng chợt nhận ra đâu phải cần hô hào khẩu hiệu, đâu cần phải những lời lẽ hùng hồn để chứng tỏ rằng mình đang sống và làm việc theo tư tưởng và tấm gương của Bác.

Chuyện Hoa Sen

Thật gần gũi và thân thuộc là hình ảnh của đồng nghiệp xung quanh tôi, những người đang sống và làm việc tại Trường Đại học Hoa Sen. Chúng tôi đã và đang thực hành tiết kiệm theo tấm gương của Người.

Từ việc tiết kiệm điện. Hàng tháng chúng tôi nhận được thư từ cô Bùi Trân Thúy, thông báo  kết quả tiết kiệm được của từng Trung tâm, từng cơ sở.  Kết quả thật bất ngờ, số tiền tiết kiệm được ngày càng cao. Niềm vui nhân lên, nhân lên mỗi tháng, mỗi thư cô gửi là một kết quả, một thành quả đáng ghi  nhận. Số tiền tiết kiệm mỗi tháng từ 20 triệu tới 40 triệu và hơn thế nữa cứ ngày một dày thêm, dày thêm. Ai ai cũng vui, vui vì mình cũng đã và đang góp sức tiết kiệm chi phí, thực hành tiết kiệm mà không ảnh hưởng tới kết quả công việc. Vui vì  số tiền đó sẽ được dùng vào những việc có ích. “Tiết giảm chi phí chung cho trường, đồng thời có thể  sử dụng tổng tiền tiết kiệm được vào những mục đíchchăm lo phát triển con người; phục vụ tốt hơn những nhu cầu chính đáng của GV-NV; tổ chức tham quan, du lịch nước ngoài; hỗ trợ mở các lớp kỹ năng theo nhu cầu thực tế của GV-NV – Cô Bùi Trân Thúy”.

Đến việc hưởng ứng “Ngày Đại học xanh”. Ngày thứ 6 hàng tuần, chúng ta có cơ hội rèn luyện sức dẻo dai bằng việc đi cầu thang bộ tại cơ sở Cao Thắng. Một ngày trong tuần các tầng lầu đều rộn tiếng cười, nói, động viên nhau “cố lên, sắp tới rồi” và những câu chuyện về việc tập thể dục, những câu chuyện tiết kiệm…Những bản tin vui vui,  ngăn ngắn tiếp tục được gửi tới toàn thể nhân viên như một món ăn tinh thần nho nhỏ mỗi tuần mới đến. Những câu chuyện hài hước dí dỏm mà chỉ đi thang bộ mới có, ta có dịp gặp những gương rèn luyện sức khỏe tiêu biểu xung quanh: đó là những thầy cô chân đau khớp vẫn leo cầu thang, không nhờ tới thang máy, những phụ nữ mang thai vẫn leo lầu cho “ dễ sinh” không cần phải “liên hệ bảo vệ khi cần hỗ trợ”, những sinh viên vừa leo vừa hát “cùng nhau trèo lên đỉnh núi cao vời vợi….”  Không rõ bài hát được hát tiếp lên lầu thứ 8 hay thứ 9 nhưng đọng lại là những tiếng cười trong trẻo thật đáng yêu. Đó chúng ta đang tiết kiệm và đang vui vì mình đã và đang tiết kiệm phải không?

Chuyện Trung tâm Đào tạo

Tiết kiệm đồ dùng học tập trong lớp. Trung tâm Đào tạo có những lớp Thư ký điều hành chuyên nghiệp. Để tăng thêm sự sáng tạo và gắn kết tinh thần đồng đội, sự quản lý đội nhóm bằng những hoạt động tập thể, giảng viên thay vì dùng những vật dụng đắt tiền như vải, giấy màu, hình ảnh sống thì lại dùng báo cũ. Những tờ báo cũ phát huy công dụng qua bàn tay của những học viên vẫn tạo ra sản phẩm là những trang phục đẹp mà vô cùng độc đáo. Những tờ giấy A3 lớp khác đã dùng 1 mặt được lớp sau dùng tiếp phần còn lại, không có tiếng phàn nàn mà chỉ có sự đồng thuận, tiết kiệm.Tiết kiệm mà vẫn hiệu quả.

Tại văn phòng làm việc, chúng tôi tắt máy lạnh trước 30 phút, in giấy 2 mặt, không sử dụng thang máy chiều đi xuống, 1 số góc làm việc nóng thì bật quạt, phía làm việc tiếp giáp với cửa kính thì kéo rèm cửa để tận dụng ánh sáng trời thay vì bật điện lúc sáng sớm và vào buổi chiều. Tích tiểu thành đại, chúng tôi tin rằng ngày hôm nay chúng tôi tiết kiệm được nhiều hơn ngày hôm qua, ngày mai tiết kiệm được nhiều hơn hôm nay.

Và còn biết bao câu chuyện tiết kiệm khác của Hoa Sen mà trong khuôn khổ bài viết tôi chưa liệt kê hết được như: tiết kiệm nước, giấy, tiết kiệm sử dụng phòng họp… Đại học Hoa Sen đã và đang học tập và làm theo gương Bác về tinh thần tiết kiệm, đã và sẽ đạt được những kết quả tốt đẹp.Tôi mong rằng tinh thần học tập và làm việc theo tấm gương tiết kiệm của Bác sẽ được nhân rộng hơn nữa, kết quả đạt được sẽ dài thêm nữa trong năm học 2013 -2014…

“Thế giới, loài người tự hào về Bác. Là người Việt Nam,  chúng ta càng tự hào biết bao! Cách ứng xử của Bác với tiền tài, với cái ăn, cái mặc, với cơ sở vật chất nói chung đâu có phải là cao quá mà chúng ta không học tập được, đâu có phải là một tòa thánh cấm uy nghiêm mà chúng ta không đặt chân lên được thềm bậc, dù là bậc thềm thứ nhất?”.Phố phường trận địa nhà máy đồng quê đều in dấu dép Bác về Bác ơi, đều in dấu dép Bác về Bác ơi”. Bài  học về tinh thần tiết kiệm của Bác đã in dấu lên Hoa Sen và đã trở thành hành động thiết thực của nhân viên Hoa Sen trong thời gian qua và trong thời gian sắp tới.

Xin cám ơn Trường Đại học Hoa Sen đã tạo điều kiện cho tôi có dịp “nhớ về Bác lòng con trong sáng hơn”  và nhìn lại những gì mình và đồng nghiệp của mình đã, đang và  sẽ tiết kiệm để học tập tấm gương đạo đức của Bác – Hồ Chí Minh.

Trần Thị Mai

MF

Facebook Youtube Tiktok Zalo