Đại học Hoa Sen

“Công khai điều kiện đảm bảo chất lượng là quyền lợi của các trường”

Mùa tuyển sinh năm nay, các trường đại học được tự chủ hơn trong việc tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (trừ các ngành sư phạm). Tuy nhiên, đại diện Bộ GD-ĐT cho rằng, không phải vì thế mà các trường có thể tuyển sinh một cách tùy tiện. Chỉ tiêu tuyển sinh phải gắn với công khai điều kiện đảm bảo chất lượng, cũng như kết quả kiểm định chất lượng giáo dục.
Ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) đã có một số trao đổi với Vietnamnet.

Ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT)

Thêm cơ chế giám sát các trường đại học

– Bộ GD-ĐT đang chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học phải công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng của trường mình. Việc công khai này có ý nghĩa như thế nào với các trường, với xã hội?
Thêm cơ chế giám sát các trường đại học

Ông Mai Văn Trinh: Theo quy định của Luật Giáo dục Đại học, cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm công bố công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng (ĐBCL) đào tạo.

Đây là trách nhiệm giải trình về chất lượng của đơn vị đối với cơ quan quản lý nhà nước và với xã hội. Việc làm này giúp cho học sinh, gia đình học sinh chủ động lựa chọn cơ sở đào tạo phù hợp để đăng ký học; đồng thời để xã hội giám sát, các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền.

Ngoài việc tiếp tục công khai điều kiện ĐBCL trên website của trường và Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT thì các cơ sở giáo dục còn phải công khai, minh bạch các điều kiện ĐBCL và các thông tin cần thiết khác vào các phần mềm quản lý của Bộ GD-ĐT, đảm bảo tính trung thực, chính xác của số liệu báo cáo và chịu trách nhiệm giải trình trước cơ quan quản lý nhà nước và xã hội. Việc công khai này giúp phụ huynh, học sinh, giáo viên và các doanh nghiệp… dễ dàng tiếp cận với điều kiện đảm bảo chất lượng của các cơ sở giáo dục.

– Yêu cầu của Bộ GD-ĐT đối với việc công khai điều kiện đảm bảo chất lượng năm nay như thế nào?

Năm nay, các trường được tự chủ hơn trong tuyển sinh, cụ thể là được tự xác định ngưỡng ĐBCL đầu vào (chỉ trừ các ngành sư phạm)… nhưng không thể thực hiện tuyển sinh và đào tạo một cách tùy tiện. Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh nhưng phải gắn với việc công khai điều kiện ĐBCL cũng như kết quả kiểm định chất lượng giáo dục và trách nhiệm giải trình trước xã hội.

Từ năm nay, để đổi mới công tác quản lý chất lượng và công khai các điều kiện ĐBCL cũng như để đối sánh giữa các năm, giữa các đơn vị, Bộ ứng dụng các tiện ích của công nghệ thông tin để các cơ sở giáo dục dễ dàng báo cáo về việc tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh và kê khai các điều kiện ĐBCL vào phần mềm Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học (http://hemis.moet.edu.vn/csdlqg/).

Từ năm nay, các cơ sở giáo dục phải kê khai vào Hệ thống các điều kiện ĐBCL chủ yếu như: diện tích đất, sàn xây dựng; cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu; đội ngũ giảng viên; thông tin về việc làm; kết quả kiểm định chất lượng giáo dục…

Qua hệ thống này, Bộ GD&ĐT sẽ phân tích, so sánh với việc kê khai trong đề án tuyển sinh đã công bố trên Cổng thông tin tuyển sinh, tổ chức kiểm tra thực tế tại cơ sở giáo dục để xác minh và chấn chỉnh công tác này.

– Tính đến nay đã có bao nhiêu trường công khai các điều kiện ĐBCL? Với những trường không công khai, Bộ sẽ có chế tài như thế nào?

Tính đến hết ngày 15/4, đã có 261 cơ sở giáo dục đại học, 50 trường cao đẳng đã kê khai vào hệ thống. Tuy nhiên, trong số này còn có 32 cơ sở giáo dục đại học, 8 trường cao đẳng kê khai chưa đầy đủ các thông tin cần thiết. Bên cạnh đó, một số trường khác vẫn chưa kịp thời kê khai theo hướng dẫn, trong đó còn 2 trường cao đẳng sư phạm, 1 trường trung cấp sư phạm.

Cục Quản lý chất lượng sẽ tiếp tục đôn đốc, nhắc nhở các cơ sở giáo dục chưa kê khai hoặc kê khai chưa đầy đủ, tiếp tục hoàn thiện dữ liệu kê khai đầy đủ để trong tháng 4 và tháng 5/2018, Bộ GD&ĐT sẽ tiến hành đối sánh và kiểm tra các điều kiện ĐBCL tại các cơ sở giáo dục.

Sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới “đầu vào” các trường đại học

– Theo ông, việc công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng có lợi ích như thế nào đối với các cơ sở đào tạo?

Việc công khai các điều kiện ĐBCL có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình xây dựng, phát triển và củng cố uy tín của nhà trường, nhất là trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Công khai các điều kiện ĐBCL trên trang thông tin điện tử của trường, trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT hoặc các phương tiện thông tin đại chúng là hình thức nhà trường cam kết trước thí sinh, gia đình người học và xã hội về chất lượng đào tạo thực tế của nhà trường.

Với những cơ sở đào tạo có uy tín, đây chính là cách quảng bá tốt nhất về sản phẩm của trường mình và cũng là hình thức tốt nhất thu hút người học cũng như doanh nghiệp trong việc đăng ký học hoặc liên kết đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Với những cơ sở đào tạo khác, việc công khai cũng tạo động lực để nhà trường có kế hoạch nâng cao các điều kiện ĐBCL nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo.

Bản thân tôi, ở góc độ gia đình có người thân chuẩn bị đăng ký xét tuyển vào trường, tôi sẽ phải tìm hiểu xem cơ sở đào tạo đó như thế nào, đội ngũ giảng viên, điều kiện cơ sở vật chất ra sao, chất lượng đào tạo có tốt không, cơ hội tìm kiếm việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp như thế nào.

Một cơ sở giáo dục không tự công khai các điều kiện ĐBCL thì việc học sinh, sinh viên và dư luận hoài nghi về chất lượng đào tạo của nhà trường là có thể có. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến việc xây dựng, củng cố uy tín, chất lượng của nhà trường.

Xin cảm ơn ông.

Đăng Dương 

Nguồn bài báo: truy cập tại đây

Facebook Youtube Tiktok Zalo