Đại học Hoa Sen
VI EN
image
image
image
image

Những tình thân của cựu sinh viên Hoa Sen

Nguyễn Hoàn Vũ – Cựu sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh

Trợ lý Điều hành tại Tổ chức Phi chính phủ Nước ngoài (INGO) Catalyst Foundation

Thời gian trước ngày Lễ Tốt nghiệp luôn tràn đầy những hân hoan và phấn khởi, chuẩn bị cho một sự kiện thật đặc biệt, một cột mốc đánh dấu thành tựu và kết quả đã được đầu tư trong những năm đi học, đi làm, đi thực tập, đi… đủ những thứ chuyện. Có cả những nôn nao về một tương lai, không biết rồi sẽ như thế nào đây?

Tuy nhiên, không phải tất cả nụ cười trong ngày Lễ Tốt nghiệp đều hứa hẹn một cuộc sống tốt đẹp sau ngày huy hoàng đó. Sau khi kết thúc “đời sinh viên”, bạn cũng phải đối diện với nhiều thứ, đó không phải là thầy cô, là việc học của chính mình mà là với sếp, với  áp lực phải hoàn thành công việc. Không đơn giản chỉ có vậy mà còn là việc phải chứng minh năng lực của bản thân khi thực hiện công việc nữa. Trước nhiều tình huống và trong môi trường làm việc, bạn không thể thoải mái đùa giỡn và nói chuyện với đồng nghiệp vô tư, hồn nhiên như với các bạn cùng học, cùng nhóm nữa. Một ngày với công việc trở nên dài hơn, những cuối tuần mỏi mệt…Vì vậy, bạn có thể có cảm giác như đang mất dần đi những mối quan hệ đã xây đắp được trong cuộc sống sinh viên sôi nổi trước đó. Lúc này đây, xung quanh bạn, dường như chỉ có công việc và công việc. Thậm chí, đã có những người từng kể với tôi họ chán ngán đến mức như mất cả động lực sống và làm việc. Đó là chưa kể đến những khó khăn “trên trời rớt xuống” như: lương bị thanh toán chậm, lương thấp, không thấy được viễn cảnh tươi đẹp nào,bệnh tật, mất phương hướng….

Một mối quan hệ được chuẩn bị tốt ngay từ khi đi học và được duy trì một cách có hệ thống với các cựu sinh viên khác và cả các sinh viên còn đang theo học tại trường sẽ là chiếc phao cứu sinh, là mái chèo, là bình nước ngọt và cũng có thể là cuốn cẩm nang giúp tôi tồn tại khi tôi là người đang miệt mài giữ mái chèo, đôi khi phải đối đầu với những con sóng to lớn, dập dìu liên tục nơi biển khơi của sự nghiệp và cuộc đời.

Mối quan hệ như chiếc phao ấy sẽ nâng đỡ bạn trong những khoảnh khắc cần thiết. Đó là sức mạnh giúp bạn tiếp tục tiến lên, không gục ngã. Bình nước ngọt giúp bạn giữ sinh lực cho qua cơn khát. Cuốn cẩm nang sẽ cho bạn những kiến thức để giữ mình, để tồn tại trong cuộc mưu sinh. Với tôi, những quan hệ thân thiết với sinh viên và cựu sinh viên chính là nguồn động viên to lớn. Trong những lúc “chán ngán công việc”, sếp và đồng nghiệp đôi khi là hai đối tượng “rất nguy hiểm” để bạn chia sẻ những cảm nghĩ của mình. Tuy nhiên, những bạn bè là cựu sinh viên sẽ là những người để bạn tin tưởng gởi gắm những niềm vui, nỗi buồn trong công việc, để giảm bớt những suy nghĩ tiêu cực qua những trò đùa dí dỏm, nhưng vẫn đảm bảo “trò đùa sẽ chỉ là trò đùa”. Họ cũng là chiếc gương sáng để bạn có thể đối chiếu với cuộc sống của bản thân khi bạn bắt đầu bước vào đời. Bạn có thể từ những người bạn này để so sánh và cố gắng phấn đấu vì một cuộc sống tốt hơn. Một tình thân sẽ giúp bạn nhớ lại những động lực tích cực mà bạn đã có ngay từ những ngày đầu đi học, nhớ lại những sự kiện lớn tại trường mà bạn đã từng tham gia, và cả giây phút huy hoàng khi làm lễ tốt nghiệp. Tình thân ấy cũng sẽ cho bạn những lời an ủi, sẻ chia để giúp đỡ bạn bằng cách này hay cách khác, rồi bạn sẽ vượt qua được những áp lực của người bắt đầu đi làm việc. Đôi khi, có những vấn đề bạn là người tối dạ, nhưng bằng kinh nghiệm, mối quan hệ, năng lực và lòng thành, họ sẽ giúp bạn có những bước đi đúng đắn, hợp lý, vượt qua những khó khăn của cuộc sống. 

Tôi cảm thấy mình thật may mắn, khi nhận thức được thành quả của 06 năm làm sinh viên đại học không chỉ là một tấm bằng với kỹ năng và kiến thức. Tôi hạnh phúc vì đã có được rất nhiều chiếc phao cứu sinh tin cậy được, những mái chèo bền bỉ trước sóng to, những bình nước ngọt đầy dưỡng chất để giữ cho tôi sự tỉnh táo, và những quyển cẩm nang vô cùng hiệu quả trước các tình huống thiên biến vạn hóa của cuộc sống. Tuy nhiên, một điều cơ bản và quan trọng mà ai cũng hiểu là không phải người bạn nào cũng đáng cho ta tin tưởng, mà đặc biệt hơn là tin tưởng đủ để trao đổi và gởi gắm những suy nghĩ mang tính nhạy cảm nhất từ nơi “kiếm cơm” hay “xây dựng sự nghiệp” của bản thân mình, hay những chuyện riêng tư nhất trong cuộc sống của mình. Vậy, đâu là nơi tôi đã tìm ra được những điều quý giá vừa nêu đó?

Một người mà tôi vô cùng yêu quý và góp phần vô cùng quan trọng trong cuộc sống đại học của tôi từng đúc kết thật chí lý rằng: việc học ở đại học không chỉ là sách vở, kiến thức từ trong sách vở, mà còn là ở những con người ta đã gặp, những điều đã trải nghiệm, quan sát, học hỏi và thậm chí là rút kinh nghiệm.

Thật vậy, việc tham gia các hoạt động sinh viên, các phong trào, các hoạt động cộng đồng, thói quen làm việc nhóm và chia sẻ, phát triển sở thích cá nhân ngay từ khi còn là sinh viên sẽ mang lại không chỉ những hàng chữ “việc làm thêm” trong hồ sơ xin việc, mà đó còn là những thời điểm tốt nhất để bạn “chọn mặt gửi vàng”. Sự trải nghiệm này sẽ giúp bạn dễ phát hiện ra một “kẻ lợi dụng” ngay khi làm việc chung trong một nhóm sinh viên nhỏ, cho một dự án hay công việc quy mô lớn hơn. Sự tổn hại nhờ vậy, cũng sẽ hạn chế rất nhiều. Từ đó, “sự nghiệp” của bạn nơi công sở hoặc trong sự nghiệp kinh doanh của riêng mình, và nếu không muốn nói là “chén cơm” của bạn sẽ vững chắc hơn.

Ngoài ra, những “gương mặt” đã “giữ vàng” cho bạn ngay từ những ngày còn là sinh viên cũng có thể nắm rõ hơn quá trinh học tập và hoạt động của bạn, vì vậy, họ sẽ là tiếng chuông cảnh báo khi bạn “lệch đường” hay mất đi tự tin. Mối quan hệ bạn bè và thân hữu là cựu sinh viên và sinh viên còn mang lại vô vàn tiềm năng để nhân rộng năng lực và khả năng của bạn. Nếu biết cách gìn giữ, nuôi dưỡng và phát triển một cách có hệ thống, họ là những “ra-đa” giúp bạn nhận biết tình hình xung quanh mình mà đôi khi vì bận rộn cho công việc, bạn sẽ không thể nhận biết hết được.  Họ là vô vàn những “chi nhánh” hay “agency” sẵn lòng giúp bạn chuyển tiếp những yêu cầu cho công việc của bạn như: tuyển dụng, tìm người hay tìm dịch vụ đáng tin cậy. Họ cũng có thể giúp bạn cập nhật được những trào lưu mới nhất trong ngành hay nhóm xã hội.

Đáng quý hơn, khi có những mối quan hệ làm việc trong nhiều ngành nghề khác nhau, bạn sẽ có những thông tin và cách tiếp cận độc đáo mà những người nước ngoài hoặc những người ít giao tiếp xã hội khó có được, hoặc phải tốn rất nhiều thời gian, công sức và tài chính để thực hiện điều mà ngày nay các sự kiện gọi là “networking”. Bất kỳ ai đã đi làm đều hiểu, đi “networking” sau một ngày làm việc hay tuần làm việc mệt mỏi là không hề dễ dàng và dễ chịu; và không phải “đi” là sẽ “tìm thấy”.

Khi bạn đã là cựu sinh viên, việc kết nối cùng các cựu sinh viên khác để thực hiện các dự án nhỏ, các ý tưởng nhỏ vì những nhóm xã hội, những vấn đề xã hội hay vì sở thích chung trong cuộc sống sẽ là cách rất tốt mà đơn giản để tìm lại “không khí thân mật” của thời sinh viên và qua đó thực hiện việc “chọn mặt gửi vàng” như trên.

Nếu bạn hứng thú với điều tôi vừa đề cập, nhưng vẫn không có ý tưởng hay dự án nào đủ sức thuyết phục bạn, bạn vẫn có thể tiếp cận theo một cách khác: tìm đến những cá nhân hay đội nhóm sinh viên đang hoạt động tại trường. Là một cựu sinh viên, không gì dễ dàng và hợp lý hơn là tìm về để đóng góp lại cho nhà trường bằng cách trao đổi, tư vấn và dẫn dắt các sinh viên đang học bằng chính kinh nghiệm đi làm của bạn. Tôi đã thấy, và luôn thấy, rất nhiều ý tưởng mới và nguồn cảm hứng sống mới mẻ và dạt dào khi tiếp cận các thế hệ sinh viên đàn em. Chính các sinh viên này là những người có nhu cầu lắng nghe, tìm hiểu và chia sẻ với những gì bạn đang trải qua sau khi tốt nghiệp và sớm hay muộn họ cũng phải đối mặt những gì bạn đã gặp. Ngoài ra, các nhóm sinh viên cũng có thể mang lại cho bạn những nguồn cảm hứng mới, những sở thích mới và ủng hộ khi bạn theo đuổi những điều đó như nhiếp ảnh, du lịch, giao lưu học thuật, đọc sách, trao đổi bằng tiếng Anh, v.v.

Theo tôi, cuộc sống sau tốt nghiệp có bền vững và hữu ích cho chính bạn hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc bạn mạnh dạn tìm hiểu và dấn thân ngay khi bạn còn là sinh viên. Mối quan hệ với các cựu sinh viên và các lớp sinh viên đàn em đang học tại trường mang tính tình nguyện, không tạo áp lực nhưng lại mang đến cho bạn những tình thân, những chỗ dựa ấm áp. Từ đó, bạn sẽ nhận được nhiều hơn với những bước đi vững vàng hơn. Chắc chắn bạn sẽ không đơn độc. 

Sài Gòn, 22/10/2013

Nguyn Hoàn Vũ

Cựu sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh khóa 2006

Cố vấn CLB Giao lưu Sinh viên Quốc tế Amity