Đại học Hoa Sen – HSU

Trung tâm quản lý tài sản thế giới dịch chuyển

Những ngày cuối tháng 6, hàng loạt các tổ chức tài chính lớn trên thế giới công bố các kết quả thống kê cho thấy lần đầu tiên châu Á đã “soán ngôi” châu Âu về số triệu phú USD. Cùng lúc với những thông tin này, nhiều tờ báo kinh tế hàng đầu cũng nhận định, vào năm 2013, trung tâm quản lý tài sản (tiền tệ) thế giới từ Thụy Sĩ sẽ dịch chuyển về châu Á, cụ thể là về Singapore.

Châu Á tạo ra của cải nhanh nhất

Theo thống kê mới nhất của Quỹ Đầu tư Merrill Lynch Wealth Management (Mỹ) và Công ty Tư vấn Capgemini (Pháp), châu Á có 3,3 triệu nhà triệu phú USD, trong khi châu Âu chỉ có 3,1 triệu. Số triệu phú châu Á tăng 9,7%, còn ở châu Âu con số này chỉ ở mức 6,3%. Đặc biệt với Ấn Độ, lần đầu tiên nước này lọt vào nhóm 12 nước có nhiều triệu phú nhất thế giới. Trong lĩnh vực đầu tư, các thị trường mới phát triển cũng thu hút mạnh. Đầu tư của giới triệu phú ở các nước châu Á cũng đang trên đà gia tăng, trong khi tại châu Âu và Bắc Mỹ, xu hướng giảm ngày càng rõ.

Châu Á tạo ra của cải nhanh hơn bất kỳ một khu vực nào khác trên thế giới. Trước đó, nhiều tổ chức tài chính còn dự báo, các nền kinh tế châu Á sẽ phát triển mạnh, từ một con số sang hai con số vì châu Á hiện có nhiều công ty trị giá 1 tỷ USD hơn Mỹ.

Theo một nghiên cứu mới đây của tạp chí Forbes, hơn một nửa số tỷ phú đến từ Trung Quốc, Nga và Ấn Độ. Tiểu sử của các triệu phú châu Á cũng khá khác biệt so với những đại gia giàu có ở châu Âu. Đặc biệt đáng chú ý, là số tỷ phú USD ngày càng trẻ và là những người tự lập. Các triệu phú Trung Quốc thường chưa tới 40 tuổi, trẻ hơn nhiều so với những triệu phú ở châu Âu, thường là trong độ tuổi giữa hoặc cuối 50.

Tại Trung Quốc và Ấn Độ chẳng hạn, 65% tỷ phú tự tạo cơ nghiệp, tại Đức là 36% và Pháp là 33%. Nhìn chung ở châu Âu, đa số tỷ phú đều là người thừa kế tài sản.

Lượng tiền đầu tư đổ về Singapore lớn kéo theo các khu mua sắm mọc lên như nấm

Nhật báo kinh tế Les Echos của Pháp còn dự đoán đến năm 2013, Singapore sẽ “soán ngôi” Thụy Sĩ để trở thành nước quản lý tài sản thế giới. Bộ ba Thụy Sĩ, Anh và Mỹ sẽ lùi dần trước Singapore và đặc khu Hồng Công. Trong giai đoạn 2010 – 2015, giá trị tài sản tại châu Á – Thái Bình Dương tăng 11,4%/năm, trong khi mức bình quân thế giới là 5,9%. Từ đó, khu vực này sẽ chiếm 23% giá trị tài sản thế giới vào năm 2015.

Cũng liên quan đến chủ đề này, trong bài viết “11 nhà triệu phú trên thế giới”, báo Le Figaro của Pháp số ra mới đây còn đặc biệt nhấn mạnh nguyên nhân chính là do sự năng động của các nền kinh tế mới phát triển.

Cơ hội trỗi dậy của Singapore

Từ nhiều thế kỷ qua, Thụy Sĩ được xem là lựa chọn số 1 của những khách hàng giàu có khắp thế giới tìm đến gửi gắm tài sản và tránh sự kiểm soát của cơ quan thuế vụ. Đến năm 2007, khi Bộ Tư pháp Mỹ tiến hành điều tra hình sự đối với một số ngân hàng Thụy Sĩ với nghi vấn đã tiếp tay cho nhiều đại gia của Mỹ trốn thuế, UBS– ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ đã phải nộp phạt 780 triệu USD để kết thúc vụ việc, rồi sau đó chấp nhận vén bức màn bí mật của ngành ngân hàng Thụy Sĩ khi công khai danh tính của 4.450 khách hàng Mỹ cho Cơ quan Thuế vụ Mỹ (IRS).

Cùng lúc, các nhà chức trách về thuế vụ của châu Âu cũng bắt đầu có trong tay những tài liệu rò rỉ từ các ngân hàng Thụy Sĩ, trong đó có dữ liệu của hàng ngàn khách hàng bí mật. Không lâu sau khi độ bí mật của các ngân hàng ở Thụy Sĩ bị sứt mẻ, giới thượng lưu bắt đầu chuyển sang “chọn mặt gửi vàng” tại những ngân hàng ở Singapore và Hồng Công. Ngoài ra Singapore còn đang chạy đua để trở thành trung tâm giao dịch đồng nhân dân tệ quốc tế.

Với dân số hơn 6 triệu người và một nền kinh tế phát triển năng động, Singapore đang đặt mục tiêu trở thành một Thụy Sĩ của châu Á – điểm đến của tầng lớp giàu có trên toàn cầu. Singapore có những lợi thế mạnh. Mặc dù những người nước ngoài giàu có đang đẩy giá lên cao, nhưng giá nhà đất ở Singapore vẫn thấp hơn so với London và New York. Với mức thuế thu nhập hấp dẫn (cao nhất là 20%), chính phủ còn miễn trừ thuế thu nhập cá nhân thu được từ bên ngoài Singapore.

Ngoài ra, do mức đánh thuế thu nhập tại châu Á nói chung còn thấp nên việc Singapore thu hút tầng lớp giàu có được nhìn nhận là nhằm bảo vệ tài sản khỏi các biến động chính trị hơn là ý định trốn thuế. Lấy ví dụ, nhiều người Trung Quốc vẫn giữ thu nhập của họ tại Hồng Công. Nhưng một số khác sợ rằng Hồng Công thuộc tầm với của các nhà chức trách Trung Quốc nên Singapore là một sự lựa chọn hoàn hảo.

Ngoài ra, Singapore còn thu hút được nhiều khách hàng giàu có của Mỹ và châu Âu, vốn lo ngại sự kiểm soát ngày càng gắt gao của cơ quan thuế vụ tại quê nhà. Theo New York Times, khách hàng tìm đến dịch vụ Thụy Sĩ tại châu Á không chỉ đến từ những quốc gia giàu có như Mỹ hoặc châu Âu mà còn là giới triệu phú mới nổi và ngày một đông của châu Á.

Đảo quốc này còn được ưu ái bởi cơ sở hạ tầng sáng bóng, hệ thống chính trị hiệu quả và một chính phủ ổn định, môi trường kinh doanh an toàn, sạch sẽ và hiệu quả. Thậm chí có chuyên gia từng nhận định “sự trỗi dậy của Singapore với tư cách là trung tâm của khu vực ngân hàng tư doanh là một phần nguyên nhân dẫn tới sự gia tăng giàu có trong khu vực, bên cạnh việc Mỹ và châu Âu thắt chặt các quy định”.

Ông Richard Murphy, người sáng lập hãng nghiên cứu Tax Justice Networkd của Anh, chỉ ra rằng, pháp luật của Singapore có nhiều điểm tương tự như pháp luật Thụy Sĩ, chẳng hạn những điều khoản về bảo mật ngân hàng, không áp thuế đối với tài sản gia tăng và một hệ thống cho phép người gửi tiền mở tài khoản dưới danh nghĩa công ty.

Cuộc chạy đua của giới nhà giàu và Ngân hàng Thụy Sĩ

Cung cấp các dịch vụ cho những người giàu có của châu Á rõ ràng là một lĩnh vực đang phát triển. Lượng tài sản do ngành ngân hàng phục vụ tư nhân tại Singapore quản lý đã tăng 6 lần trong giai đoạn 2000 – 2008. Ước tính, các ngân hàng tại Singapore đang quản lý khối lượng tài sản lên tới hơn 500 tỷ USD.

Tuy nhiên, Singapore nổi lên không chỉ vì Thụy Sĩ bị mất tiếng mà còn nhờ vào lực lượng triệu phú hùng hậu mới nổi lên ở châu Á. Theo số liệu thống kê gần đây do hai tập đoàn Merrill Lynch và Cap Gemini công bố, mỗi năm châu Á có thêm ít nhất 200.000 triệu phú mới. Theo New York Times, khách hàng tìm đến “dịch vụ Thụy Sĩ tại châu Á” không chỉ đến từ những quốc gia giàu có như Mỹ hoặc châu Âu mà còn là giới triệu phú ngày một đông của châu Á.

Theo báo cáo thịnh vượng toàn cầu của tập đoàn tư vấn Boston năm 2010, tất cả các tài khoản này đang tăng lên nhanh chóng, được rót từ các nền kinh tế đang phát triển nhanh của châu Á một phần do người giàu ở châu Á – Thái Bình Dương có xu hướng giữ của cải gần nhà.

Không chỉ cố gắng gây dựng vị trí trong nền kinh tế toàn cầu bằng việc thu hút giới thượng lưu giàu có, Singapore còn tăng cường luật bảo mật ngân hàng để phát triển hệ thống ngân hàng tư nhân. Singapore có hơn 40 ngân hàng tư nhân hoạt động.

Đáng chú ý, ngoài những ngân hàng lớn của Mỹ và Anh như Citigroup, Standard Chartered… đang ăn nên làm ra tại những “thiên đường thuế” mới ở châu Á có rất nhiều nhà băng có gốc gác từ Thụy Sĩ. Richard Murphy nhận định, danh tiếng Thụy Sĩ rất có giá ở châu Á, vì vậy Singapore và Hồng Công là hai nơi để ngân hàng Thụy Sĩ lấy lại danh tiếng bị mất.

Nếu như UBS, ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ, mất đi lượng khách hàng của dịch vụ bảo mật lên đến 200 tỷ USD trong hai năm qua kể từ khi Mỹ bắt đầu mở cuộc điều tra với giới nhà băng Thụy Sĩ, thì tại châu Á, số khách hàng mới họ có được còn nhiều hơn số đã mất ở châu Âu.

Đại gia UBS vì thế đang dự định thuê thêm 400 nhân viên tư vấn để phục vụ khách hàng cá nhân tại thị trường châu Á – Thái Bình Dương, ngoài con số 867 nhân viên đã có. Còn Ngân hàng Julius Baer cho biết vừa lên kế hoạch nâng gấp đôi số tài sản ở Hồng Công, tức chiếm 25% tổng tài sản toàn cầu, trong 5 năm tới.Tại Ngân hàng Credit Suisse, lượng tài sản ròng mới đổ vào ngân hàng này từ những khách hàng giàu có ở châu Á sẽ tăng trưởng với tốc độ 20% mỗi năm, gấp 3 lần so với mức tăng dự báo cho thị trường toàn cầu.

Ngân hàng Julius Baer thì mới đây đã lần đầu tổ chức họp hội đồng quản trị ở Singapore, cho dù trụ sở đặt tại Zurich. Ngân hàng này đặt mục tiêu tăng gấp đôi lượng tài sản quản lý cho khách hàng tại thị trường Singapore và Hồng Công trong 5 năm tới, lên mức 25% tổng tài sản được quản lý.

Hiện Singapore là trung tâm quản lý tài sản lớn thứ ba thế giới, sau Thụy Sĩ và Anh. Các số liệu mới nhất về quản lý tài sản và nghiệp vụ ngân hàng tư nhân do Tập đoàn Thanh toán và Tư vấn PricewaterhouseCoopers (PwC) vừa công bố cho thấy tốc độ gia tăng và tích lũy tài sản tăng lên nhanh chóng ở các thị trường mới nổi, cũng như những áp lực điều tiết ở các nơi khác sẽ giúp gia tăng sự phát triển thị trường Singapore.

Trong bối cảnh ngành ngân hàng phục vụ tư nhân từ lâu được xem là số 1 thế giới của Thụy Sĩ trở nên lung lay, tất cả những gì đang diễn ra cho thấy, Singapore đang nỗ lực thay thế Thụy Sĩ ở ngôi vị trung tâm ngân hàng phục vụ tư nhân toàn cầu. Trung tâm quản lý tài sản thế giới đang dịch chuyển để đóng đô ở châu Á.

(Nguồn: SGGP)

Danh mục liên quan

Thông tin chuyên đề Tin Hoa Sen
Facebook Youtube Tiktok Zalo